worldlink express service co.,ltd

We link the world

tra cứu vận đơn

Bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển

I - Đặc điểm và trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hoá vận chuyển bằng đường biển :

1) Đặc điểm quá trình xuất nhập khẩu hàng hoá vận chuyển bằng đường biển

- Việc xuất nhập khẩu hàng hoá thường được thực hiện thông qua hợp đồng giữa người mua và người bán với nội dung về: số lượng, phẩm chất, ký mã hiệu, quy cách đóng gói, giá cả hàng hoá, trách nhiệm thuê tàu và trả cước phí, phí bảo hiểm, thủ tục và đồng tiền thanh toán...
- Trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hoá có sự chuyển giao quyền sở hữu lô hàng hoá xuất nhập khẩu từ người bán sang người mua.
- Hàng hoá xuất nhập khẩu thường được vận chuyển qua biên giới quốc gia, phải chịu sự kiểm soát của hải quan, kiểm dịch... tuỳ theo quy định, thông lệ của mỗi nước. Đồng thời để vận chuyển ra (hoặc vào) qua biên giới phải mua bảo hiểm theo tập quán thương mại quốc tế. Người tham gia bảo hiểm có thể là người mua hàng (người nhập khẩu) hay người bán hàng (người xuất khẩu). Hợp đồng bảo hiểm thể hiện quan hệ giữa người bảo hiểm và người mua bảo hiểm đối với hàng hoá được bảo hiểm. Nếu người bán hàng mua bảo hiểm thì phải chuyển nhượng lại cho người mua hàng, để khi hàng về đến nước nhập, nếu bị tổn thất có thể khiếu lại đòi người bảo hiểm bồi thường.
- Hàng hoá xuất nhập khẩu thường được vận chuyển bằng các phương tiện khác nhau theo phương thức vận chuyển đa phương tiện, trong đó có tàu biển. Người vận chuyển hàng hoá đồng thời cũng là người giao hàng cho người mua. Vì vậy người chuyên chở là bên trung gian phải có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc hàng hoá đúng quy cách, phẩm chất, số lượng từ khi nhận của người bán đến khi giao cho người mua hàng.

Quá trình xuất nhập khẩu hàng hoá có liên quan đến nhiều bên, trong đó có bốn bên chủ yếu là: người bán (bên xuất khẩu), người mua (bên nhập khẩu), người vận chuyển và người bảo hiểm. Vì vậy, cần phải phân định rõ ràng trách nhiệm của các bên liên quan và khi tiến hành xuất nhập khẩu hàng hoá các bên liên quan phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình.

2) Trách nhiệm của các bên liên quan.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá thường được thực hiện thông qua ba loại hợp đồng:

- Hợp đồng mua bán
- Hợp đồng vận chuyển
- Hợp đồng bảo hiểm

Ba hợp đồng này là cơ sở pháp lý để phân định trách nhiệm của các bên liên quan và trách nhiệm này phụ thuộc điều kiện giao hàng của hợp đồng mua bán. Theo các điều kiện thương mại quốc tế “INCOTERMS 2000” (International Commercial Tearms) có mười ba điều kiện giao hàng được phân chia thành bốn nhóm E, F, C, D có sự khác nhau về cơ bản như sau: Thứ nhất là nhóm E- quy ước người bán đặt hàng hoá dưới quyền định đoạt của người mua ngay tại xưởng của người bán (điều kiện E- giao tại xưởng); Thứ hai là nhóm F- quy ước người bán được yêu cầu giao hàng hoá cho một người chuyên chở do người mua chỉ định (nhóm điều kiện F: FCA, FAS và FOB); Thứ ba là nhóm C- quy ước người bán phải hợp đồng thuê phương tiện vận tải, nhưng không chịu rủi ro về mất mát hoặc hư hại đối với hàng hoá hoặc các phí tổn phát sinh thêm do các tình huống xảy ra sau khi đã gửi hàng và bốc hàng lên tàu (nhóm điều kiện C: CFR, CIF, CPT và CIP); Thứ tư là nhóm D- quy ước người bán phải chịu mọi phí tổn và rủi ro cần thiết để đưa hàng hoá tới địa điểm quy định (nhóm điều kiện D: DAF, DES, DEQ, DDU, DDP). Trong đó thông dụng nhất là điều kiện FOB, CFR và CIF.

Trong các điều kiện giao hàng, ngoài phần giá hàng, tuỳ theo từng điều kiện cụ thể mà có thêm cước phí vận chuyển và phí bảo hiểm. Có những điều kiện giao hàng mà người bán không có trách thuê tàu vận chuyển và mua bảo hiểm cho hàng hoá. Như vậy, tuy bán được hàng nhưng dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm sẽ do người mua đảm nhận (điều kiện FOB). Có trường hợp giao hàng theo điều kiện mà ngoài việc xuất khẩu được hàng hoá, người bán còn có trách nhiệm thuê tàu vận chuyển và mua bảo hiểm cho hàng hoá (điều kiện CIF). Thực tế, các tập đoàn kinh tế hoạt động trên nhiều lĩnh vực sản xuất, vận chuyển, bảo hiểm ... khi giao hàng theo điều kiện nhóm C và D, bên cạnh việc bán hàng còn giành cho họ dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm cho số hàng đó. Vì vậy, nếu nhập khẩu hàng theo điều kiện FOB, hay điều kiện CFR thì sẽ giữ được dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm, hay chỉ dịch vụ bảo hiểm. Nếu trong hoạt động nhập khẩu, bán hàng theo gía CIF, người bán cũng giữ được dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm. Như vậy sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành vận tải đường biển và ngành bảo hiểm của quốc gia đó.

Nói chung, trách nhiệm của các bên liên quan được phân định như sau:

- Trách nhiệm của người bán (bên xuất khẩu): phải chuẩn bị hàng hoá theo đúng hợp đồng trong mua bán ngoại thương về số lượng, chất lượng, quy cách, loại hàng, bao bì đóng gói ...và tập kết hàng đến cảng tới ngày nhận, thông báo tàu đến nhận chuyên chở, giao hàng cho tàu khi qua lan can an toàn mới hết trách nhiệm về những rủi ro tai nạn đối với hàng hoá. Ngoài ra, người bán phải làm các thủ tục hải quan, kiểm dịch, lấy giấy chứng nhận kiểm định phẩm chất, đóng gói bao bì phải chịu được điều kiện vận chuyển bốc dỡ thông thường. Cuối cùng, người bán phải lấy được vận tải đơn sạch. Nếu bán hàng theo điều kiện CIF người bán còn có trách nhiệm mua bảo hiểm cho lô hàng hoá sau đó ký hậu vào đơn bảo hiểm để chuyển nhượng quyền lợi bảo hiểm cho người mua.

- Trách nhiệm của người mua (bên nhập khẩu): nhận hàng của người chuyên chở theo đúng số lượng, chất lượng... đã ghi trong hợp đồng vận chuyển và hợp đồng mua bán ngoại thương, lấy giấy chứng nhận kiểm đếm, biên bản kết toán giao nhận hàng với chủ tàu, biên bản hàng hoá hư hỏng đổ vỡ do tàu gây lên (nếu có), nếu có sai lệch về số lượng hàng đã nhập khác với hợp đồng mua bán nhưng đúng với hợp đồng vận chuyển thì người mua bảo lưu quyền khiếu nại đối với người bán. nếu phẩm chất, số lượng hàng hoá được nhận có sai lệch với vận tải đơn thì người mua căn cứ vào biên bản trên bảo lưu quyền khiếu nại với chủ phương tiện chuyên chở. Ngoài ra, người mua còn có trách nhiệm mua bảo hiểm cho hàng hoá nếu mua hàng theo giá CF và mua bảo hiểm, thuê tàu trả cước phí vận chuyển hàng hoá nếu mua hàng theo gía FOB hay nhận lại chứng từ bảo hiểm do người bán chuyển nhượng nếu mua hàng theo giá CIF.

- Trách nhiệm của người vận chuyển: chuẩn bị phương tiện chuyên chở theo yêu cầu kỹ thuật thương mại và kỹ thuật hàng hải, giao nhận hàng đúng quy định theo hợp đồng vận chuyển. Theo tập quán thương mại quốc tế thì tàu chở hàng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thân tàu và P and I. Người vận chuyển còn có trách nhiệm cấp vận đơn cho người gửi hàng. Vận đơn (Bill of Loading) là một chứng từ vận chuyển hàng hải trên biển do người vận chuyển cấp cho người gửi hàng nhằm nói lên mối quan hệ pháp lý giữa người vận chuyển, người gửi hàng và người nhận hàng. Có nhiều loại vận đơn, nhưng ở đây chỉ quan tâm đến hai loại cơ bản là: vận đơn hoàn hảo (Clean B/L) hay còn gọi là vận đơn sạch và vận đơn không hoàn hảo (Unclean B/L). Người vận chuyển phải chịu trách nhiệm với những rủi ro xảy ra đối với hàng hoá theo quy định và phải có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc cho lô hàng hoá chuyên chở trong hành trình từ cảng đi đến cảng đích.

- Trách nhiệm của người bảo hiểm: có trách nhiệm với những rủi ro được bảo hiểm gây ra cho lô hàng hoá tham gia bảo hiểm, người bảo hiểm cũng có trách nhiệm kiểm tra các chứng từ liên quan đến hàng hoá, hành trình vận chuyển và bản thân tàu chuyên chở. Khi xảy ra tổn thất thuộc phạm vi trách nhiệm của bảo hiểm, người bảo hiểm có trách nhiệm tiến hành giám định, bồi thường tổn thất và đòi người thứ ba nếu họ gây ra tổn thất này.

II - Các loại rủi ro và tổn thất trong bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển

1) Rủi ro trong bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển.

Rủi ro trong bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển là những tai nạn, tai hoạ, sự cố xảy ra một cách bất ngờ ngẫu nhiên hoặc những mối đe doạ nguy hại, khi xảy ra sẽ gây lên tổn thất cho đối tượng được bảo hiểm. Ví dụ như : tàu đắm, hàng mất, hàng bị đổ vỡ, hư hỏng... Rủi ro trong xuất nhập khẩu hàng hoá vận chuyển bằng đường biển có nhiều loại, căn cứ vào nguồn gốc phát sinh có thể phân rủi ro thành những loại sau:
* Thiên tai : Thiên tai là những hiện tượng tự nhiên mà con người không thể chi phối được như : biển động, bão, gió lốc, sét đánh, thời tiết xấu, sóng thần...
* Tai hoạ của biển: là những tai hoạ xảy ra đối với con tàu ở ngoài biển như : tàu bị mắc cạn, đâm va, đắm chìm, cháy nổ, tàu bị lật úp, mất tích... những rủi ro này được gọi là những rủi ro chính.
* Các tai nạn bất ngờ khác: là những thiệt hại do các tác động ngẫu nhiên bên ngoài, không thuộc những tai hoạ của biển nói trên. Tai nạn bất ngờ khác có thể xảy ra trên biển nhưng nguyên nhân không phải là một tai hoạ của biển, có thể xảy ra trên bộ, trên không trong quá trình vận chuyển, xếp dỡ hàng hoá, giao nhận, lưu kho, bảo quản hàng như : hàng hoá bị vỡ, lát, hấp hơi, thiếu hụt, mất trộm, mất cắp, không giao hàng ... những rủi ro này được gọi là những rủi ro phụ.
* Rủi ro do bản chất hoặc do tính chất đặc biệt của đối tượng bảo hiểm hoặc những thiệt hại mà nguyên nhân trực tiếp là chậm chễ.
Theo nghiệp vụ bảo hiểm thì những rủi ro của hàng hoá xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển có thể được chia thành các loại sau đây:
* Rủi ro thông thường được bảo hiểm: là những rủi ro được bảo hiểm một cách bình thường theo các điều kiện bảo hiểm gốc. Đây là những rủi ro mang tính bất ngờ ngẫu nhiên xảy ra ngoài ý muốn của người được bảo hiểm như: thiên tai, tai hoạ của biển, tai nạn bất ngờ khác tức là bao gồm cả rủi ro chính và rủi ro phụ.
* Rủi ro bảo hiểm riêng: là những rủi ro mà muốn được bảo hiểm thì phải thoả thuận riêng, thoả thuận thêm chứ không được bồi thường theo các điều kiện bảo hiểm gốc. Loại rủi ro này gồm : rủi ro chiến tranh, đình công, khủng bố được bảo hiểm theo điều kiện riêng.
* Rủi ro không được bảo hiểm: là những rủi ro không được người bảo hiểm nhận bảo hiểm hoặc không được người bảo hiểm bồi thường trong mọi trường hợp. Đó là các rủi ro đương nhiên xảy ra, chắc chắn xảy ra hoặc các thiệt hại do nội tỳ, bản chất của hàng hoá, do lỗi của người được bảo hiểm, thiệt hại mà nguyên nhân trực tiếp là chậm trễ, rủi ro có tính chất thảm hoạ mà con người không lường trước được, quy mô, mức độ và hậu quả của nó.

Tóm lại, các rủi ro được bảo hiểm phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra tổn thất. Việc phân nguyên nhân trực tiếp hay nguyên nhân gián tiếp có vai trò rất quan trọng để xác định rủi ro gây ra tổn thất có phải là rủi ro được bảo hiểm hay không. Những tổn thất nào có nguyên nhân trực tiếp là rủi ro được bảo hiểm gây ra mới được bồi thường.

2) Tổn thất trong bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển:

Tổn thất trong bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu là những hư hỏng, thiệt hại của hàng hoá được bảo hiểm do rủi ro gây ra.

Căn cứ vào quy mô, mức độ tổn thất có hai loại tổn thất là tổn thất bộ phận và tổn thất toàn bộ:

* Tổn thất bộ phận : là tổn thất mà một phần của đối tượng được bảo hiểm theo một hợp đồng bảo hiểm bị mất mát, hư hỏng, thiệt hại. Tổn thất bộ phận có thể là tổn thất về số lượng, trọng lượng, thể tích hoặc giá trị.
* Tổn thất toàn bộ : là toàn bộ đối tượng bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm bị mất mát, hư hỏng, thiệt hại hoặc bị biến chất, biến dạng không còn như lúc mới bảo hiểm nữa. Một tổn thất toàn bộ có thể là tổn thất toàn bộ thực tế hay tổn thất toàn bộ ước tính:
- Tổn thất toàn bộ thực tế là toàn bộ đối tượng bảo hiểm bị mất mát, hư hỏng hay bị phá huỷ toàn bộ, không lấy lại được như lúc mới bảo hiểm nữa. Trong trường hợp này, người bảo hiểm phải bồi thường toàn bộ giá trị bảo hiểm hoặc số tiền bảo hiểm.
- Tổn thất toàn bộ ước tính tức là thiệt hại, mất mát của đối tượng bảo hiểm chưa tới mức tổn thất toàn bộ nhưng đối tượng bảo hiểm bị từ bỏ một cách hợp lý vì tổn thất toàn bộ thực tế xét ra là không thể tránh khỏi hoặc những chi phí đề phòng, phục hồi tổn thất lớn hơn giá trị của hàng hoá được bảo hiểm. Khi đối tượng là hàng hoá bị từ bỏ, sở hữu về hàng hoá sẽ chuyển sang người bảo hiểm và người bảo hiểm có quyền định đoạt về hàng hoá đó. Khi đó, người được bảo hiểm có quyền khiếu nại đòi bồi thường tổn thất toàn bộ.

Căn cứ vào tính chất tổn thất và trách nhiệm bảo hiểm thì tổn thất được chia làm hai loại là tổn thất chung và tổn thất riêng:

* Tổn thất chung là những hy sinh hay chi phí đặc biệt được tiến hành một cách cố ý và hợp lý nhằm mục đích cứu tàu và hàng hoá chở trên tàu thoát khỏi một sự nguy hiểm chung, thực sự đối với chúng. Khi xảy ra tổn thất chung chủ hàng và người bảo hiểm phải điền vào Bản cam đoan, Giấy cam đoan đóng góp vào tổn thất chung. Bản cam đoan, Giấy cam đoan này được xuất trình cho chủ hàng hoặc thuyền trưởng khi nhận hàng. Nội dung nói chung khi xảy ra tổn thất chung người được bảo hiểm phải báo cho công ty bảo hiểm biết để công ty hướng dẫn làm thủ tục không tự ý ký vào Bản cam đoan.

* Tổn thất riêng: là tổn thất chỉ gây ra thiệt hại cho một hay một số quyền lợi của các chủ hàng và chủ tàu trên một con tàu. Như vậy, tổn thất riêng chỉ liên quan đến từng quyền lợi riêng biệt. Trong tổn thất riêng, ngoài thiệt hại vật chất còn phát sinh các chi phí liên quan nhằm hạn chế những thiệt hại khi tổn thất xảy ra, gọi là tổn thất chi phí riêng. Tổn thất chi phí riêng là những chi phí bảo quản hàng hoá để giảm bớt thiệt hại hoặc để khỏi hư hại thêm, bao gồm chi phí xếp, dỡ, gởi hàng, đóng gói lại, thay thế bao bì... ở bến khởi hành và dọc đường. Chi phí tổn thất riêng làm hạn chế và giảm bớt tổn thất riêng, tổn thất riêng có thể là tổn thất bộ phận hoặc là tổn thất toàn bộ. Tổn thất riêng có được người bảo hiểm bồi thường hay không phụ thuộc vào rủi ro có được thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm hay không chứ không như tổn thất chung.

Nguồn : VOER (Vietnam Open Educational Resources)

Chia sẻ:

Bài viết liên quan